Wedding “TO DO” List

Vẫn biết với các cô dâu ở nước ngoài, thời gian chuẩn bị cho đám cưới có thể lên đến 1 năm (hoặc hơn), nhưng với thực tế ở Việt Nam, thời gian chuẩn bị lý tưởng nhất lại rơi vào khoảng từ 6-3 tháng trước ngày cưới bởi những đặc thù riêng.

Vì thế, để các bạn đỡ lo lắng và có thể biết được phần nào công việc chuẩn bị của 1 đám cưới, Cầm ghi chú lại dưới đây trình tự những công việc chuẩn bị đó theo lượt trình thời gian để các bạn tham khảo. Bảng danh sách này được gọi là “Wedding TO DO List”

wedding to do list #1

//

» TRƯỚC ĐÁM CƯỚI 6 THÁNG HOẶC NHIỀU HƠN

Wedding Planner: nếu có ý định nhờ đến họ, thì đây chính là thời điểm các cô dâu tìm hiểu về Wedding Planner và công việc của họ. Bởi trước khi quyết định cộng tác, bạn phải biết mình thực sự có cần đến Wedding Planner hay không.

— Tìm hiểu sơ lược về đám cưới và những việc cần chuẩn bị. Điều này sẽ giúp bạn khỏi bỡ ngỡ khi bắt tay vào việc. Tuy nhiên, lúc này bạn không cần đi quá sâu vào chi tiết… mà chỉ chỉ cần tìm hiểu những điều tổng quan nhất.

※ Tham khảo: “Những bước chuẩn bị cơ bản”.

Khách mời: lên danh sách sơ bộ về số lượng khách mời. Việc này không đòi hỏi chính xác 100%, nhưng ít nhất, bạn phải có 1 con số ước lượng, để từ đó đưa ra những lựa chọn địa điểm phù hợp.

Save the Date: gửi thông báo đến những khách mời quan trọng để họ sắp xếp công việc cá nhân.

Ngân sách: lập dự toán. Lẽ dĩ nhiên, phần “Outcome” – tức chi phí chi ra cho từng dịch vụ – bạn sẽ chưa biết. Không sao, cứ để trống. Thay vào đó, hãy ghi lại phần “Income” – tức những khoản mà mình có thể để dành hoặc được gia đình hỗ trợ… Đây sẽ là tiền đề cho việc cân đối với “Outcome” sau này.

※ Tham khảo: “Cách lập ngân sách cho đám cưới”

— Bên cạnh đó, hãy mua 1 quyển sổ nhỏ và ghi chú vào đó tất cả những vấn đề, những câu hỏi mà bạn thắc mắc. Nó sẽ là quyển “Wedding Book” của bạn.

wedding to do list #2


» TỪ 6 THÁNG – 3 THÁNG TRƯỚC ĐÁM CƯỚI

Wedding Planner: chọn & ký hợp đồng với 1 người mà bạn ưng ý nếu thực sự cần đến sự đồng hành của họ. Đây là việc nên làm đầu tiên, hơn là booking 1 số dịch vụ rồi mới nghĩ đến Wedding Planner. Bởi khi đến với Wedding Planner, bạn sẽ nhận được sự tư vấn cùng nhiều gợi ý hơn về các nhà cung cấp phù hợp.

Địa điểm: Việc thứ 2 cần quyết định ngay trong thời gian này, chính là chọn địa điểm tổ chức. Một khi đã chọn được thì tiến hành đặt cọc ngay để họ giữ ngày cho bạn.

— Sau khi đã hoàn thành 2 việc trên là đã có thể yên tâm 1 chút. Bây giờ sẽ là thời gian cho việc “tìm hiểu” sâu hơn những công việc của đám cưới. Dù có hay không có Wedding Planner đồng hành, thì việc tham khảo, tìm tòi luôn là điều rất quan trọng. Từ kiểu lễ phục (váy & suit) phù hợp, tone màu, style trang trí, các photographer / videographer cùng phong cách của họ… cho đến tinh thần của đám cưới mà mình muốn hướng đến.

• Nếu đã có Wedding Planner, thì việc “research” này sẽ là những ví dụ minh hoạ trực quan nhất để 2 bên có thể hiểu nhau hơn.

• Nếu không có Wedding Planner thì việc “research” lại càng quan trọng. Bởi sau đó bạn sẽ phải đích thân làm việc với vô số các nhà cung cấp dịch vụ.

wedding to do list #3

— Song song với việc “tìm hiểu” về đám cưới, hãy lập những danh sách ưu tiên về các nhà cung cấp mà mình thấy (có vẻ) ưng ý cùng chi phí (dự kiến) của họ. Không cần nhiều, mỗi phần việc chỉ cần note lại 2-3 lựa chọn là đủ. Quá nhiều chỉ càng làm quyết định thêm khó khăn.

Ngân sách: tiếp tục cân đối ngân sách.

Khách mời: tiếp tục lên danh sách và phân loại theo nhóm để kiểm soát tốt hơn. Hãy tin mình, việc lên danh sách khách mời là công việc từ từ, mỗi ngày 1 chút. Không phải đùng 1 cái bạn có thể nhớ hết những người mà bạn muốn mời trong đám cưới mình đâu.


» 3 THÁNG TRƯỚC ĐÁM CƯỚI

Đây là giai đoạn bạn sẽ phải “chốt hạ”, đưa ra quyết định lựa chọn một nhà cung cấp nào đó cho phần việc tương đương.

Trang trí: chọn dịch vụ trang trí gia tiên & tiệc: tuỳ vào nhu cầu mà bạn có thể tách riêng cho 2 nhà cung cấp hoặc gộp chung lại 1 nơi.

— Chọn tone màu chủ đạo, xác định được mục đích / tinh thần của đám cưới mà mình muốn hướng đến.

Hình ảnh: chọn lựa photographer & videographer cho đám cưới. Lên lịch và chụp album pre-wedding luôn trong thời điểm này.

Make-up & Hair: lựa chọn qua portfolio. Nếu có thể, hãy book luôn cho buổi chụp pre-wedding để các make-up artist có thể làm quen với khuôn mặt bạn.

— Lễ phục: nếu quyết định may thì nên chọn NTK luôn và tiến hành làm việc với họ.

Ngân sách: tiếp tục cân đối.

Khách mời: tiếp tục việc lên danh sách.

Chăm sóc cơ thể: bắt đầu liệu trình chăm sóc body, da, tóc, móng tay… của các cô dâu. Đây là việc không nhiều cô dâu chú ý, nhưng nếu có điều kiện thì cực kỳ nên làm. Về cá nhân, mình cực lực phản đối việc dùng các loại thuốc, hoá chất để ép giảm cân, làm đẹp trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, một liệu trình cần thời gian để thẩm thấu cũng như tác dụng lên cơ thể, vì thế nên bắt đầu ở thời điểm này là thích hợp nhất.


» 2 THÁNG TRƯỚC ĐÁM CƯỚI

Thiệp cưới: Chọn thiết kế thiệp và các ấn phẩm liên quan (tuỳ nhu cầu) như: logo, thiệp báo hỷ, thiệp cảm ơn, place card, túi đựng quà tặng… Sau khi đã thống nhất thiết kế thì tiến hành in ấn.

wedding checklist #4

Địa điểm: Quyết định thực đơn cho bữa tiệc. Tiến hành đặt cọc lần 2 cho nơi tổ chức theo dự toán thực đơn mình đã chọn.

Trang trí: bắt đầu làm việc với nhà cung cấp dịch vụ trang trí và cùng họ lên thiết kế sơ bộ.

Bánh cưới: chọn mẫu / đặt thiết kế riêng và tiến hành booking với nhà cung cấp.

Hình ảnh: chụp album pre-wedding (nếu chưa chụp). Đây là thời gian hạn định (gần như) cuối cùng nếu bạn muốn album của mình được hoàn thành trước đám cưới. Nếu muộn hơn, khả năng không thể có được album trước đám cưới là rất cao.

Make-up & Hair: nếu đã ưng với make-up artist của buổi chụp pre-weeding, bạn có thể book họ luôn cho ngày cưới. Nếu chưa ưng, có thể thay đổi và lựa chọn 1 option khác.

Lễ phục:

• Fitting lần đầu với NTK. Thường ở giai đoạn này, chiếc váy mới chỉ lên form. Nhưng để có 1 chiếc váy đẹp thì form dáng lại cực kỳ quan trọng.

• Nếu định thuê thì bắt đầu dạo 1 vòng quanh những “địa chỉ” mình đã note trong “Wedding Book” là vừa. Đừng để muộn hơn, bởi không phải lúc nào ta cũng có thể bắt gặp chiếc váy ưng ý ngay trong lần đi đầu tiên.

Ngân sách: tiếp tục cân đối.

Khách mời: tiếp tục việc lên danh sách.

Chăm sóc cơ thể: tiếp tục liệu trình làm đẹp của các cô dâu.


» 4 TUẦN TRƯỚC ĐÁM CƯỚI

Trang trí: tiến hành chỉnh sửa, feedback trên các mẫu thiết kế đề xuất.

Khách mời: chốt hạ lại danh sách cuối cùng.

—  Thiệp cưới: nhận thiệp và các sản phẩm đi kèm. Bắt đầu viết thiệp.

Hình ảnh: chọn ảnh để làm album pre-wedding và phóng lớn. Chỉnh sửa, feedback clip pre-wedding / teaser (nếu có)

Lễ phục: fitting lần 2. Lúc này chiếc váy cơ bản đã hoàn thành 80%. Đây cũng là thời điểm thích hợp để cùng mấy cô bạn thân lựa chọn váy cho các phù dâu.

Nghi thức truyền thống: thống nhất những công việc thuộc về lễ gia tiên giữa 2 gia đình: số lượng quả cho đám cưới, nội dung vật phẩm trong quả, các nghi thức liên quan…

Quà tặng: đặt hàng món quà mà mình sẽ tặng cho khách.

Ngân sách: lập bảng thu / chi chi tiết để có thể quản lý ngân sách hiệu quả nhất.

Chăm sóc cơ thể: tiếp tục liệu trình làm đẹp của các cô dâu.


» TỪ 3 TUẦN – 2 TUẦN TRƯỚC ĐÁM CƯỚI

Chốt lại tất cả những việc còn chưa hoàn thành trong thời gian trước.

Địa điểm: một số venue sẽ yêu cầu bạn thanh toán trước từ 80% – 100 % chi phí của tiệc cưới trong khoảng thời gian này.

Trang trí: thống nhất và ký nhận bản thiết kế cuối cùng để nhà cung cấp bắt đầu chuẩn bị.

wedding checklist #5

— Gửi thiệp đến các khách mời.

— Nếu bạn muốn nhắn nhủ cùng bạn bè, thì đây là thời điểm thích hợp để công bố teaser trên mạng XH hoặc email.

Nghi thức truyền thống: nhà trai bắt đầu chuẩn bị các vật phẩm. Hãy đặt trước để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Thảo luận lịch trình cùng chương trình ngày cưới giữa 2 gia đình, thời gian đưa / đón dâu… Đặc biệt là phần lễ gia tiên.

Xe / Việc di chuyển: Xem xét các vấn đề về đi lại trong ngày cưới, đặc biệt là xe dâu.

Kịch bản chương trình: lên lịch trình & chương trình cụ thể cho đám cưới: MC, DJ, band, dance, first dance, game…

Ngân sách: lập bảng thu / chi chi tiết để có thể quản lý ngân sách hiệu quả nhất.

Chăm sóc cơ thể: tiếp tục liệu trình làm đẹp của các cô dâu.


» TỪ 2 TUẦN – 1 TUẦN TRƯỚC ĐÁM CƯỚI

Hoàn tất mọi công việc lien quan đến đám cưới. Theo Cầm, việc chuẩn bị nên hoàn tất trước đám cưới ít nhất là 1 tuần hoặc 4-5 ngày để mọi người có thời gian nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, những ngày rảnh rang trước đám cưới sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về công việc, sẽ tìm thấy những điểm còn thiếu sót cũng như chưa hợp lý để chỉnh sửa

— Hoàn tất việc gửi thiệp mời cho khách tối thiểu trước 1 tuần, để khách có thời gian cân nhắc và chuẩn bị.

Hình ảnh: nhận các sản phẩm đã hoàn thiện, bao gồm: album đã in xong, hình ảnh phóng lớn, Wedding Movie đã hoàn tất…

Lễ phục: fitting lại lần cuối và nhận sản phẩm đã hoàn thiện. Nếu cần thiết sẽ chỉnh sựa lại đôi chút (bởi lúc này dáng người bạn sẽ giống với ngày cưới nhất) sao cho chiếc váy thật vừa vặn.

— Xác nhận lại lần cuối thông tin về lịch trình với các nhà cung cấp và những người chịu trách nhiệm liên quan.

Ngân sách: hoàn thiện bản thu / chi tạm thời. Lúc này, bản dự toán đã thể hiện đúng đến 90% so với bản quyết toán cuối cùng.

Chăm sóc cơ thể: tiếp tục liệu trình làm đẹp của các cô dâu.


» GHI CHÚ

Trên đây là một “Wedding TO DO List” khá chi tiết mà các bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên, còn một số công việc mà Cầm không liệt kê ra, bởi các bạn có thể tự sắp xếp cho riêng mình tuỳ theo nhu cầu bản thân. Ví dụ như: mua nhẫn cưới, sắp xếp lịch trình honey moon…

Bên cạnh đó, mỗi cô dâu, sẽ có những hoàn cảnh và thời gian chuẩn bị khác nhau, nên không nhất thiết phải follow theo TO DO list này. Chỉ cần bạn note lại đầy đủ và chi tiết trong Wedding Book, thì 80% bạn đã có thể yên tâm không bỏ sót những công việc cần chuẩn bị.

© Words copyright by NhuCam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *