Cổ tích đồi quạt gió

Kể từ khi biết đến câu chuyện của họ, với mình, đây vẫn luôn là câu chuyện tình yêu đẹp nhất. Nó đơn sơ, mộc mạc. Nó gần gũi, thân thương bởi nói ở ngay bên cạnh ta, xảy ra trên quê hương ta và nó vẫn đang được viết tiếp từng ngày. Đó là câu chuyện của 1 đôi vợ chồng già mà bà con làng xóm vẫn thường gọi bằng cái tên giản dị: ông Kurt & cô Sang.

Cổ tích đồi quạt gió #1

Ông tên Kurt Leander Jensen Lendar và cô là Tiêu Thị Ngọc Sang. Vào 1 ngày cách đây hơn 20 năm, người thuỷ thủ 54 tuổi Kurt Jensen bán đi chiếc thuyền của mình và gom hết số tiền dành dụm để thực hiện chuyến đi mơ ước: du lịch vòng quanh thế giới. Cùng 2 người bạn, ông ghé ngang TP. HCM và trú tạm trong một khách sạn nhỏ. Để rồi ở chính mảnh đất này, ông gặp cô. Lúc ấy, cô Sang đang bán chôm chôm dạo ngoài chợ.

Năm ấy, cô Sang 45 tuổi, đang sống với mẹ già và cô con gái nhỏ. Cô từ Long Khánh (Đồng Nai) về Sài Gòn bán chôm chôm. Từ hôm gặp cô, ngày nào người thuỷ thủ Đan Mạch cũng ghé qua mua chôm chôm, chỉ để được nói chuyện với người phụ nữ tần tảo ấy.

“Tôi nhìn thấy bà ấy bán chôm chôm, và không hiểu sao tôi cứ muốn quay lại mua chôm chôm hoài”.

Cô kể: “Tôi chẳng có gì. Nhưng hôm ông mời lên khách sạn ông ăn cơm, tôi đi vào phòng vệ sinh, thấy ví tiền của ông để mở, cả xấp đô la trong ấy. Tôi gọi ông lại, đưa ông ví tiền, bảo để thế lỡ người dọn phòng hay người lạ lấy mất thì sao”.

Rồi một ngày, ông nói với cô ông sẽ tạm dừng chuyến du lịch và trở về Đan Mạch để thu xếp vài thứ. Khi chia tay, ông hẹn 1 năm sau sẽ quay lại Việt Nam. Còn cô, cô cũng chẳng tin lắm và cũng không mong chờ gì. Thế rồi, không lâu sau đó, cô nhận được thư của ông. Mừng lắm, vui lắm… nhưng có hiểu được gì đâu, cô phải đem nhờ người dịch mới biết được nội dung ông viết cho cô. Nhưng rốt cuộc, ông đã không giữ được lời hứa 1 năm của mình, bởi 6 tháng sau, ông đã quay trở lại Việt Nam vì… nhớ cô quá.

Ông đến tận Long Khánh thăm mẹ già của cô và nháy mắt ranh mãnh: “Tôi biết ở Việt Nam, chỉ cần mẹ già quý mình, là coi như mình đã thắng!”. Năm 1992, hai người thành hôn. Ông đưa cô về Đan Mạch sống.

Những cây cầu cho miền đất xa

Trong 1 lần cùng cô trở về thăm quê, chứng kiến cảnh những cháu bé nhiễm chất độc da cam sống thiếu thốn, cùng cực… ông đã quyết định quay lại Việt Nam một lần nữa. Lần này, ông muốn xây cầu, xây trường, xây nhà vệ sinh cho các cháu.

Cây cầu đầu tiên, ông vừa xây vừa học, vừa đi xin tài trợ từ các công ty, các nhà hảo tâm Đan Mạch. Đó là một chiếc cầu treo, tại một khu vực trồng cà phê, thuộc thị xã Bảo Lộc – tỉnh Lâm Đồng.

Trong thời gian trở lại Đan Mạch, ông đã liên lạc không ngừng với nhiều chuyên gia. Công ty đầu tiên là một công ty sản xuất dây cáp. Họ trả lời sẵn sàng giúp, nhưng cáp của họ lại bọc nhôm, thiếu sự co dãn, không thích hợp cho việc làm cầu. Đúng lúc ấy, một người bạn của ông cho biết: chính phủ Đan Mạch đang tháo bỏ hệ thống dây cáp giữa các tuyến cao tốc. Mừng như bắt được vàng, ông liên hệ ngay với sở đường bộ. Họ kết nối ông với một công ty đang thi công tháo gỡ của Đức. Và công ty này đã không ngần ngại cho ông tất cả những gì ông cần.

Ngày thu hoạch, để cuộn những sợi dây cáp khổng lồ, ông lại phải liên lạc với sở điện lực địa phương. Sau khi nghe trình bày, công ty này vui vẻ hỗ trợ ông những ống cuộn dây điện và chở đến thẳng đường cao tốc. Và chính tay 2 ông bà là người lăn từng mét dây cáp vào ống cuộn.

Cũng trong thời gian đó, ông Kurt tiến hành thử nghiệm với mô hình trong vườn nhà. Ông cũng liên lạc với một công ty lớn của Đan Mạch chuyên về xây dựng cầu đường: tập đoàn Carl Bro. Nhờ đó, ông có được một bản vẽ cầu treo và những lời tư vấn từ họ. Cũng nhờ bản vẽ ấy mà ông biết được mình cần gì và phải làm thế nào.

Cần mẫn như 1 chú ong thợ, ông dần thu thập thêm những thiết bị cần thiết để hoàn thành ước mơ.

+ Claus Harbo – một công ty chuyên về kỹ nghệ cung cấp các vật liệu cho ghe đánh cá – giúp ông các thiết bị xiết dây cáp.

+ Câu lạc bộ thể thao Lions Club hỗ trợ một máy phát điện và máy trộn bê tông

+ Sơn để bảo trì dây cáp, ông xin công ty Sadolin

Và cuối cùng, để vận chuyển toàn bộ về Việt Nam, ông liên lạc với hãng vận chuyển đường thuỷ lớn nhất thế giới: hãng tàu MAERSK. Sau khi nghe người thuỷ thủ già trình bày, đích thân tổng giám đốc A. P. Møller đã tiếp chuyện ông. Tuy thời điểm ấy, Maersk không có chuyến tàu nào cập cảng Việt Nam, nhưng vị CEO hào hiệp này vẫn sẵn lòng giúp đỡ chuyển số hàng ấy về Singapore. Từ đây, ông Møller lại nhờ các hãng khác chuyển tiếp về VN.

Tại Việt Nam, lãnh sự quán Đan Mạch trợ giúp be-tong, sắt thép cùng các chi phí vận chuyển khác.

Ngày khởi công, tỉnh Bảo Lộc cử 20 người đến giúp ông, trong đó chỉ có một người cầm theo xẻng… Sự hời hợt của lãnh đạo địa phương đến mức khiến ông nổi giận và tuyên bố sẽ chuyển sang xây cầu cho 1 địa phương khác. Ngày hôm sau ông nhận được thêm được 20 người nữa. Thế là ông trở thành đầu tàu, chỉ huy 40 người thợ không chuyên xây dựng 1 chiếc cầu treo. Cô Sang là người phiên dịch kiêm chị nuôi, lo từng bữa cơm, cốc nước cho đội ngũ 40 người cũng nghèo khổ như cô.

Sau 25 ngày, chiếc cầu treo dài 65m, ngang 1.2m đã hoàn tất với tổng chi phí là 4500$. Khi chiếc cầu được khánh thành, một bà cụ đã nhất quyết bắt ông Kurt nắm tay dẫn bà qua cầu. Khi đến nơi, bà bật khóc vì đã 20 năm nay, bà chưa từng được bước qua phía bên này.

Cổ tích đồi quạt gió #12

Cổ tích đồi quạt gió #2

Lúc này ông Kurt có đủ tư liệu để trình lên lãnh sự quán của Đan Mạch tại VN, với mỗi câu “Chiếc cầu đã xong”, họ lại trao cho vợ chồng ông trách nhiệm đảm nhận những công trình mới. Bên cạnh đó, vợ chồng ông chỉ đồng ý nhận mức lương tương ứng với đồng lương hưu, như một người lãnh tiền thất nghiệp tại Đan Mạch. Bởi theo ông, nếu nhận lương cao hơn, coi như chương trình tình nguyện đã không còn đúng ý nghĩa.

Danida, một hội chuyên gia về việc trợ giúp phát triển nông nghiệp tại các vùng nông thôn nghèo trên toàn cầu đã đánh giá chiếc cầu ông Kurt xây chỉ tốn ¼ kinh phí so với giá trị thực của nó.

Trong vòng 6 năm tiếp theo, ông bà đã hoàn tất 24 cây cầu và 6 ngôi trường cho trẻ em vùng sâu, vùng xa trong chương trình trợ giúp của chính quyền Đan Mạch và cả những vận động riêng từ bạn bè cùng các công ty hảo tâm Bắc Âu.

Cổ tích đồi quạt gió #4

Cổ tích đồi quạt gió #3

Ông kể: “Có những đứa trẻ con chưa bao giờ được đi trên một cây cầu mùa lũ. Chúng tôi đã xây và các em có thể an toàn qua sông. Tôi có thể xây những cây cầu với giá rẻ bằng ¼ so với những gì người ta báo giá”.

Niềm hạnh phúc của tuổi già kéo dài như những cuộc phiêu lưu. Ông lái xe Bonus tự đi khảo sát các địa điểm xây trường, làm nhà. Bà theo ông lo hậu cần, bế bồng những đứa trẻ bệnh tật đang thiếu một nơi nương tựa. Trong nhiều tấm ảnh cũ, bà ôm đám trẻ con vào lòng, ánh mắt chúng cười ngây ngô. Đó là những gì bà nhớ mà kể lại sau chừng ấy năm theo ông làm việc.

Cổ tích đồi quạt gió #5

Nhưng về sau, nhiều chương trình trợ giúp, phải trải qua nhiều thủ tục rắc rối. Một số tiền lọt thẳng vào túi những kẻ tham lam. Đến lúc này, cặp vợ chồng già thấy cuộc vui đã kết thúc và họ rút lui về lại xứ xở yên bình Đan Mạch. Thế nhưng, lúc này, cô Sang lại không được phép định cư, bởi với đồng lương hưu ít ỏi, ông Kurt sẽ không đủ khả năng nuôi người vợ từ VN sang. Chính vì thế, bộ nhập cư đã bác bỏ đơn xin trở lại Đan Mạch của cô.

Tình yêu và nỗi nhọc nhằn

Họ đành dắt díu nhau quay lại Việt Nam. Với số tiền tích cóp được, ông bà muốn mua một miếng đất nhỏ để mưu sinh. Nhưng rồi hết lần này đến lần khác, họ mua phải những dự án “ma” không thực hiện được. Người ta ôm tiền và bỏ mặc những người mất của như vợ chồng ông giữa sự bơ vơ khi tuổi già kéo đến.

Nhưng ông Kurt không phải là người dễ bị khuất phục. Gom nốt chút tiền còn lại, vợ chồng ông mua một mảnh đất nằm sát quốc lộ 1A, gần đồi quạt gió ở Tuy Phong, Bình Thuận. Một mảnh đất khô cằn “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.

Cổ tích đồi quạt gió #6

Cổ tích đồi quạt gió #7

Cổ tích đồi quạt gió #8

Với vốn kiến thức xây dựng tích cóp từ hồi xây cầu, ông xây lên tổ ấm của mình. Từng ngày trôi qua, từ một túp lều rách nát, ông làm thành tổ ấm nhỏ hai mái – một căn nhà nhỏ bé giản dị với cây cối, vườn tược bao quanh.

Cứ thế ròng rã suốt 2 năm trời, cần mẫn mỗi ngày như 1 chú ong thợ. Lúc dư dả thì ông thuê thêm thợ, không thì lại lầm lũi tự làm. Ông xếp từng viên gạch, đóng từng góc mái để thành nhà tắm, nhà bếp. Ông kể: “Tôi đã xây xong bếp rồi. Giờ là tới nhà, tôi muốn xây những căn nhà nhỏ ở đây, giống như ngày xưa tôi đi xây nhà cho người khuyết tật. Nhà này cũng để đón người khuyết tật nếu họ muốn ra đây nghỉ ngơi. Hoàn toàn miễn phí”.

Để trang trải mọi thứ hằng ngày, ông bà nuôi một đàn gà gần 40 con. Từng bộ bàn ghế được bà Sang sắm bằng cách… đổi gà cho cửa hàng vật liệu. Cứ đủ gà thì họ đưa 1 bộ bàn ghế tới. Có bàn ghế, bà bán quán nước quốc lộ, gọi là có đồng ra đồng vào mỗi ngày, để vun đắp những năm tháng cực nhọc cuối cùng của hai vợ chồng.

Cánh đồng cát trắng phau xung quanh trơ trụi bao nhiêu, ở gần nhà ông bà lại xanh tươi bất nhiêu. Ông Kurt đào giếng, lấy nước trong veo. Sáng sớm bà Sang dậy, vặn máy nước, đi tưới hết từng gốc cây đã trồng và cả cây rừng. Ông bà luôn dậy trước 5 giờ sáng để đi dạo, uống cà phê, ăn bánh mì và tưới cây. Ông giải thích:

“Chỉ đến 9 giờ sáng là mọi thứ nóng ran, công trường gõ đập ồn ào. Chúng tôi có buổi sáng là của mình. Bà ấy pha cà phê và đôi khi chúng tôi lặng người đi vì mặt trời lên ở đằng xa”.

Cổ tích đồi quạt gió #9

Cổ tích đồi quạt gió #10

Bình yên ở chốn “bỏng rát”

Người đến thăm bảo ông bà nghèo khổ, thương xót bao nhiêu, thì sẽ ngạc nhiên với sự đầy đủ mà họ đã tạo ra trong cái nghèo đau đáu từ trong bếp đến ngoài nhà. Vì nghèo, bà không đi chợ, bởi sẽ tốn tiền xe ôm. Bà nhờ người công nhân ở công trường kế bên hái rau lên bán, bà trả tiền, rẻ hơn nhiều lần.

Vì nghèo, ông bà không mua đồ ăn sáng, mà để sẵn bánh mì trong tủ lạnh, sáng ra nướng lại trên bếp gas ăn, thanh nhã, gọn gàng lại đủ chất.

Vì nghèo, nên ông Kurt chăm chỉ làm việc mỗi ngày, thay vì thuê thợ tốn tiền, tự tay ông xây dần, xây dần ngôi nhà của mình… để cuộc sống giờ có ở giữa nơi hoang vắng cũng tiện nghi, sạch sẽ.

Vì nghèo, ông bà phải sống trong một khu đất cạnh bãi tha ma, nơi mồ mả nằm sát cạnh nhà, nơi những chiếc xe khách vô ý dừng chân, cho khách xuống đi vệ sinh bừa bãi. Có hôm bà kể: “Tôi ngủ dậy, muốn khóc vì trước nhà mình toàn giấy vệ sinh và những bãi họ đi bậy ra”.

Vì nghèo, ông Kurt bỏ công xây 4 phòng vệ sinh miễn phí gần nhà, để người ta đừng làm ô nhiễm mái ấm của ông nữa. Và cũng vì nghèo, cái nhà vệ sinh xây chậm, ông vừa đặt bồn nước dội mới mua lên, vài ngày sau đã có kẻ đến gỡ trộm. Cái nhà vệ sinh công cộng miễn phí mãi mãi không thành hình. Và ông bà vẫn phải hứng chịu cơn vô ý của những chiếc xe khách đêm “dừng đại” chỗ nào đó cho khách… giải quyết.

Ở giữa hoang vắng, ông bà đối phó với từng cái nhọc nhằn bé nhỏ. Chỉ vài hôm là mất điện thoại. Có hôm sáng ngủ dậy quay ra mất cả đàn gà. Bà cười như mếu: “Có con nhỏ xóm dưới nghèo lắm, sáng nó đem trả tôi con gà, nói chồng nó ăn cắp, mà thương ông bà là người già, nên nó đem trả lại”.

Vẫn có những hàng xóm tốt bên cạnh những tên trộm biết chủ nhà tuổi cao, sức yếu, nhanh nhảu đột nhập, lấy cái máy, chôm món đồ. Bà đã 67 tuổi, ông hơn 80 tuổi. Họ không đuổi được một tên trộm nào. Họ chỉ biết làm khóa cho cái chuồng gà – tất cả tài sản sinh ra tiền bạc của mình, và khóa cửa khắp nơi mỗi khi đêm xuống.

Sáng sớm hôm ấy, bà nói: “Để cô nướng bánh mì cho dượng ăn. Rồi cô ra uống cà phê”.

Họ ngồi bên nhau và ngắm mặt trời mọc, thanh thản. Ít ai biết, trải qua biết bao nhiêu lọc lừa vì đất, vì dự án, họ vẫn cố gắng để có những ngày bên nhau trọn vẹn và bình yên. Liệu họ có tiếc gì sau quá nhiều năm cống hiến, họ không có gì, ông Kurt chỉ nói: “Tôi muốn ở Việt Nam, tôi yêu bà ấy và yêu nơi này. Có rất nhiều người xấu, nhưng cũng có quá nhiều người tốt mà”.

Bà Sang không nhìn, chỉ rươm rướm nói, bà không muốn gì, chỉ muốn ở Đại sứ quán có ai chỉ bà làm sao để visa cho ông ở Việt Nam luôn, chứ 6 tháng một lần bà lại phải đi gia hạn visa cho ông tận Phan Thiết. Bà nói: “Lỡ tôi có làm sao… không biết ai sẽ đi gia hạn visa cho ông ấy. Nơi này đã là quê hương của ông ấy rồi mà”.

Khi tách cafe sớm vừa cạn, ông Kurt lại chăm chỉ với việc xây dựng. Bà Sang đi giặt đồ, lau dọn. Từ cát nóng, xương rồng, họ đã biến mảnh đất này thành ngôi nhà, ấm cúng và trọn vẹn yêu thương.

//

Đó là câu chuyện cổ tích về ông Kurt & cô Sang mà tôi đã đọc được từ 2 năm trước. Ngay lần đầu tiên đọc được những dòng về 2 ông bà trên facebook anh Tung Xich Lo (một người bạn VN đã hết lòng theo chân 2 vợ chồng từ những ngày đầu)… tôi đã xúc động đến không nói nên lời. Vốn dĩ, tôi cứ ngỡ những chuyện như thế chỉ tồn tại trên phim ảnh, trên những trang tiểu thuyết mà thôi.

Nhưng năm nay, ngày trở lại, mọi thứ vẫn vẹn nguyên. Ngôi nhà của ông bà Kurt vẫn lặng lẽ giữa đồi cát trắng ven QL1A, thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong, Tỉnh Bình Thuận. Có chăng sự đổi khác bây giờ là nơi này đã có thêm rất nhiều cây xanh và sự xuất hiện của một tấm bảng “bán nhà” được treo trước cổng.

Cổ tích đồi quạt gió #11

Bà Sang tâm sự: “Cô và dượng hai những tưởng sẽ gắn bó ở mảnh đất này đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Vì dù gì cô cũng là người Việt Nam, còn dượng thì luôn nặng lòng với con người xứ sở này. Dượng dành hơn 20 năm để đi bắc cầu, xây trường cho người dân vùng sâu vùng xa, sống cùng người Việt, lo cùng người Việt, nên dượng xem mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình. Thế nhưng có lẽ giờ đây cô phải đưa dượng trở về quê hương của ông ấy rồi”.

Nhiều lần bà Sang ngỏ ý muốn làm thủ tục cho ông Kurt nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn thành được. Cứ định kỳ 3 tháng, người phụ nữ này lại phải lặn lội lên Phan Thiết để thực hiện thủ tục gia hạn visa cho chồng. Chưa kể việc con đường trước nhà mới nâng cấp, được xây dựng thêm một con lươn rất dài, khiến việc di chuyển từ bên kia đường sang nhà cũng khó khăn hơn. Bà nói: “Tôi đã gần 70 rồi, giờ còn sức khỏe thì còn đi được, nhưng đến lúc già yếu, thì biết làm sao?…”.

Vì lẽ đó, ông bà quyết định bán đi ngôi nhà này để có tiền trở lại Đan Mạch sống những ngày còn lại của tuổi già.

“Bán được nhà, cô sẽ lo cho dượng về trước, rồi cô thu xếp xong sẽ về sau. Dù lòng cô và dượng còn mong được giúp những người nghèo ở quê hương mình lắm, nhưng chắc có lẽ giờ không còn đủ sức nữa rồi!”.

//

Anh Tùng từng chia sẻ đã nhiều lần ngỏ ý muốn kêu gọi mọi người đóng góp để giúp 2 vợ chồng, nhưng ông Kurt kiên quyết phản đối và sẽ không nhận. Ông nói ông còn sức khoẻ, còn tài sản (là miếng đất, ngôi nhà…), còn lòng tự trọng… ông sẽ không bao giờ cho phép mình ngửa tay nhận tiền quyên góp từ mọi người. Nếu bán được đất, ông và bà sẽ có đủ tiền để quay về quê hương.

Nên mình chỉ muốn qua bài này, lan toả đến nhiều, nhiều người hơn nữa. Biết đâu sẽ có 1 ai đó có nhu cầu với mảnh đất của ông và có thể giúp ông hoàn thành nốt tâm nguyện này. (Theo thông tin từ anh Tùng, đất của 2 ông bà hiện nay đã có sổ đỏ chính chủ và mọi giấy tờ hoàn toàn hợp pháp)

© son.le
© Bài viết có sử dụng thông tin của nhà báo Khải Đơn (báo Thanh Niên) và blog cá nhân của anh Tung Xich Lo.
© Hình ảnh do anh Tùng chụp & public trên blog anh

 + Tung Xich Lo facebook

+ Loạt bài viết của anh Tùng về ông Kurt & cô Sang trên blog anh

+ Bài viết mới nhất của kenh14 về 2 vợ chồng ông bà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *